News

Hiện nay, các tỉnh thành có tiềm năng du lịch ở nước ta, bên cạnh việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí từ nhẹ nhàng đến cảm giác mạnh đều phát triển thêm loại hình du lịch cáp treo.
Hiện nay, các tỉnh thành có tiềm năng du lịch ở nước ta, bên cạnh việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí từ nhẹ nhàng đến cảm giác mạnh đều phát triển thêm loại hình du lịch cáp treo. Cáp treo là một phương tiện giúp du khách có điều kiện di chuyển nhanh, tham quan phong cảnh từ trên cao và tận hưởng cảm giác kỳ thú khi được di chuyển bằng phương tiện hàng không tĩnh lặng. 
 
1. Cáp treo Bà Nà đạt 2 kỷ lục Guiness thế giới.
 
 Nằm cách Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam, ở độ cao 1487m so với mực nước biển, Bà Nà được người Pháp phát hiện từ tháng 4/1901 và được ví như Sapa, Đà Lạt của miền Trung. Việc đưa vào khai thác “hòn ngọc khí hậu” này trở thành một điểm du lịch lý tưởng được quan tâm từ những năm cuối của thập kỷ 20.
 
    
 
 
Ngoài tuyến cáp treo dài gần 1km từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Bà Nà đã được xây dựng từ năm 2000, từ tháng 3/2009, Bà Nà Hills đã đưa vào khai thác tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ từ chân núi lên đồi Vọng Nguyệt được công nhận đạt hai kỷ lục Guinness thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m); và tuyến cáp có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m).  Từ ca-bin lên đỉnh Bà Nà, lơ lửng giữa lưng chừng mây, du khách thoải mái ngắm nhìn vẻ nguyên sơ, hùng vĩ của rừng nguyên sinh, những tán cây rộng lớn, từng đàn bướm tung bay; có cảm giác phiêu lưu đầy lý thú như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh giữa không gian rộng lớn như một bức tranh nhiều màu sắc giữa bốn bề mây phủ điệp trùng.
 
Với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, cáp treo Bà Nà gồm 24 trụ, 94 cabin (6 cabin VIP), công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Du khách chỉ mất 15 phút để đi từ chân núi lên đến khu du lịch sinh thái ở độ cao 1.487m so với mực nước biển.
 
 Vừa qua, Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng thêm một tuyến cáp treo kỷ lục lên Bà Nà. Theo đó, tuyến cáp treo mới sẽ chạy song song và cách tuyến cáp hiện hữu khoảng 250m với chiều dài hơn 5,8km, trang bị cabin lớn có sức chở 10 khách/cabin. Công suất từ 1.500 – 1.600 khách/giờ. Tổng vốn đầu tư của công trình khoảng 30 triệu EURO, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 1/2013.
  
2. Cáp treo Vinpearl Land
 
Với độ dài 3320m, Cáp treo Vinpearl Lannd hiện là cáp treo vượt biển dài nhất thế giới. Hệ thống cáp treo này được xây dựng là nhằm nối đất liền với đảo Hòn tre, nơi có tổ hợp du lịch giải trí biển đảo đa chức năng Vinpearl Land.  
  

  
Đi vào hoạt động từ ngày 10/3/2007, hệ thống cáp treo này có độ cao trung bình là 45 mét và cao nhất là 54 mét so với mặt biển. Cáp treo Vinpearl được thiết kế với công suất 65 cabin loại 8 chỗ với công suất chuyên chở 1000 - 1500 khách/giờ. Hiện tại Cáp treo Vinpearl đang cho hoạt động với công suất 1000 khách/giờ với 47 cabin loại 8 chỗ; Thời gian đi suốt tuyến khoảng 12phút/ chuyến, với vận tốc 6m/s; Có thể hoạt động an toàn trong điều kiện gió cấp 7. Hệ thống cáp trep có 9 cột trụ (7 trụ trên biển và 2 trụ trên bờ) có hình dáng và cấu trúc giống tháp Effel, được thắp sáng bằng laser và đèn trang trí vào ban đêm.
  
Ngồi trong cabin từ độ cao lý tưởng của cáp treo, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp với những bãi biển uốn lượn ôm gọn lấy thành phố biển, cũng như được ngắm nhìn cảnh đẹp tựa thiên đường của Vịnh Nha Trang, 1 trong 30 vịnh biển nổi tiếng và đẹp nhất thế giới với những  góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.
  
Trước đây dự án tuyến cáp treo này đã gây nhiều tranh cãi về việc sẽ làm cản trở tàu, thuyền ra vào nhưng thực tế, từ khi đi vào hoạt động, cáp treo Vinpearl Land không xảy ra sự cố gì mà đã trở thành một thương hiệu - sản phẩm du lịch đặc biệt của Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Cùng với Tháp bà Ponarga, Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Mun, Cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một trong những biểu tượng của Du lịch Nha Trang - Khách Hòa.
  
 3. Cáp treo Yên Tử
 
 Yên Tử là một địa chỉ du lịch hành hương nổi tiếng ở khu vực phía Bắc. Hành hương Yên Tử  là một cuộc leo núi đầy thú vị. Tuy nhiên du khách sẽ có cảm giác khác hơn nữa khi thực hiện cuộc hành trình bằng phương tiện cáp treo để chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Yên Tử từ trên cao
 
  
 
  
Hệ thống cáp treo Yên Tử có 16 ca bin với công suất vận chuyển 700 khách/giờ. Cáp treo sẽ đưa du khách từ độ cao khoảng 50m lên độ cao 450m (so với mặt nước biển). Trước đây thời gian đi bộ trên đoạn đường này mất khoảng 2 giờ, nay đi bằng cáp treo chỉ mất 6 phút. 
 
 Sau khi xuống ga cáp treo ở gần chùa Hoa Yên, bạn tiếp tục đi bộ đến chùa Một Mái để tiếp tục cuộc hành trình trên hệ thống cáp treo thứ hai. Hệ thống cáp treo nối chùa Một Mái với khu vực tượng An Kỳ Sinh chính là một công trình được nhiều người biết đến bởi những kỷ lục về sự hiện đại, tiến độ thi công, địa hình dốc đứng và độ cao. Tuyến cáp treo có tổng chiều dài 900m, gồm 36 ca bin, công suất vận tải khoảng 1.800 khách/giờ.
   
4. Cáp treo Chùa Hương
 
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp.
 
  
 
 
Trước đây, du khách muốn trảy hội Chùa Hương phải đi bộ, leo từ bến Thiên Trù lên động Hương Tích mất cả buổi thì nay, với hệ thống cáp treo hiện đại, du khách chỉ mất 15 phút để lên tới chùa chính. Tổng chiều dài tuyến cáp treo là 1.218 m, nối từ sau chùa Thiên Trù lên động Hương Tích. Toàn tuyến có 45 cabin 6 chỗ loại Omega III của Thuỵ Sĩ, công suất chuyên chở 1.500 hành khách/giờ. Từ Thiên Trù lên Hương Tích có ba ga, là ga Thiên Trù, ga Giải Oan và ga Hương Tích.
  
5. Cáp treo Đà Lạt
 
Tuyến cáp treo Đà Lạt dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển. Hệ thống cáp treo Đà Lạt này được khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2002, khánh thành ngày 24/1/2003 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/2/2003.
 
  
 
 
Hệ thống này do Hãng Doppelmayr của Thụy Sĩ và Áo thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Với 50 cabin tự động đủ màu sắc có công suất vận chuyển tối đa 900 lượt/giờ, du khách có thể thưởng ngoạn rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ, toàn cảnh thành phố ngàn hoa và bay trên những rừng thông bạt ngàn, tận hưởng cái lành lạnh của trời Đà Lạt.
 
Ở ga đến, khách sẽ được tham quan khu du lịch Thiền viện Trúc Lâm - hồ Tuyền Lâm và thưởng thức cơm chay. Đặc biệt, vào ngày 6/8/2004, Khu Du lịch Cáp treo Đà Lạt đã đưa vào phục vụ du khách chương trình “Cà phê cảm giác trên cáp về đêm”.
 
Cáp treo Đà Lạt đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho thành phố “đường trong hoa, thấp thoáng nhà trong lá” này.
   
6.Cáp treo Núi Bà Tây Ninh
 
Đã đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh, du khách sẽ không thể từ chối lời mời tới vãn cảnh Núi Bà. Ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam Bộ, cách thị xã Tây Ninh 11 km, vừa là nơi đón khách tham quan, vừa là chốn tụ hội của hàng nghìn tăng ni Phật tử mỗi khi đến mùa lễ hội.
 
 
    
 
 
Để phục vụ nhu cầu của du khách, một hệ thống cáp treo đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Với hệ thống này, du khách có thể thăm quan phong cảnh kỳ vĩ của Núi Bà với cảm giác mạnh mà vẫn an toàn, tận hưởng thú vị cảnh quan núi rừng thiên nhiên và muôn thú.
 
Tuyến cáp treo Núi Bà Tây Ninh dài 1.225m, độ chênh cao giữa hai nhà ga là 225m, với 180 cabin hai chỗ ngồi, vận tốc di chuyển trung bình là 18 phút/lượt, cáp treo Núi Bà Tây Ninh có thể vận chuyển được 500 lượt khách/giờ.
  
7. Cáp treo núi Tà Cú

Khu du lịch núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cách TP Phan Thiết 30km. Khu du lịch rộng hơn 250.000 m2 có rừng, núi và biển với quần thể sinh thái phong phú. Vừa qua, để phục vụ du khách, một hệ thống cáp treo hiện đại đã được lắp đặt tại đây.
 
 
 
Tuyến cáp dài 1.600m, cao 505m với 35 ca-bin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ. Có hai nhà ga: nhà ga cáp dưới, nhà ga cáp trên, một quảng trường và những khu phụ trợ rộng rãi, khang trang cùng lúc có thể phục vụ hàng nghìn khách du lịch...
 
Kiến trúc toàn bộ khu du lịch cáp treo núi Tà Cú hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Ði cáp treo, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hương rừng, gió biển và ngắm nhìn những cánh rừng và đồng lúa bất tận.
  
8. Cáp treo Vũng Tàu
 
Được khởi công từ tháng 10-2003, cụm du lịch cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ là một dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng. Dự án gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 hoàn thành ; giai đoạn 2 là hệ thống cáp treo từ đỉnh núi Lớn qua đỉnh núi Nhỏ ở độ cao 130m, dài 2.025m. Hệ thống cáp treo được nhập từ châu Âu với công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay 2.000 người/giờ. Du khách khi đi cáp treo này sẽ được ngắm thành phố Vũng Tàu từ trên cao xuống với biển, núi, rừng hoa anh đào, rừng cây và Khu Bạch Dinh, Bãi Dâu, Bãi Trước, Bãi Sau…
 
 
 
 
Khu du lịch Cáp treo - Sinh thái - Văn hóa Hồ Mây được đầu tư giai đoạn I là 250 tỷ đồng nằm trên vị trí núi Lớn Vũng Tàu, với diện tích 400ha. Với hệ thống cáp treo du khách có thể dễ dàng lên khu du lịch sinh thái văn hóa với khu rừng thông, rừng hoa anh đào được giữ nguyên nét hoang sơ của thiên nhiên, công trình thác nước nhân tạo, cầu mây, đồi hoa bằng lăng, khu vực nuôi chim công…
 
  9. Cáp treo Tây Thiên
 
 Tây Thiên - Tam Đảo là một "địa linh" lớn của cả nước, nơi đây có dấu tích Phật giáo từ rất sớm, có thể coi Tây Thiên là một trong những nơi có dấu tích Phật giáo cổ nhất Việt Nam. Nơi đây có rất nhiều đền, chùa linh thiêng như chùa Thượng, chùa Phù Nghì, chùa Thiên Ân, Thiền Viện Trúc lâm Tây Thiên, đền Cô, đền Cậu và đặc biệt là hệ thống đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - Người có công lớn giúp vua Hùng Chiêu Vương thứ 7 giữ yên kinh đô Văn Lang, mở mang bờ cõi.
 
 
 
 
Tới Tây Thiên, du khách không chỉ hành hương lễ Phật, lễ Mẫu mà còn tham quan và tận hưởng cảnh sắc tươi đẹp, không khí trong lành của thiên nhiên nơi đây như:  Bãi đá Liền, suối Tối, thác Chòi Tre, thác Bạc, suối Vàng, suối Giải Oan... 
 
Đề cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và phát huy những giá trị tiềm năng, thế mạnh của vùng đất - con người Tây Thiên - Tam Đảo; chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của huyện Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng khu Trung tâm văn hoá lễ hội và dự án cáp treo Tây Thiên do Công ty CPĐT Lạc Hồng làm chủ đầu tư.
 
Hệ thống Cáp treo gồm hai ga: ga đầu xuất phát từ Đền Cậu, và ga đến ở chân Đền Thượng và cũng là điểm bắt đầu tuyến du lịch Tam Đảo. Công nghệ và thiết bị cáp treo do hãng POMA (Cộng hoà Pháp) sản xuất và cung cấp. Tổng mức đầu tư là 258 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm 2011
 
Sau khi dự án này hoàn thành, Tây Thiên sẽ trở thành một điạ chỉ du lịch  tâm linh thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương. Tây Thiên sẽ là một địa chỉ hành hương nổi tiếng như là Yên Tử, như là Chùa Hương. Tây Thiên Tam Đảo sẽ trở thành một tổng hòa văn hóa Phật giáo với các dòng thừa Thiền-Tịnh-Mật đồng tu. Tây Thiên cũng sẽ là một miền đất Mẫu rực rỡ, xứng danh là quê hương của một tín ngưỡng dân gian bền bỉ lâu đời.
 
10. Cáp treo Hương tích - Hà tĩnh
 

 
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh nằm trên tọa lạc lưng chừng dãy núi Hồng Lĩnh kỳ vĩ. Đến với ngôi chùa này du khách vừa được đạo hữu và nghe nhiều sự tích, truyền thuyết về chùa Hương Tích, vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ vĩ của danh sơn thắng cảnh Hồng Lĩnh tuyệt mỹ.
 
Tương truyền dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi, động Hương Tích đẹp nhất, cao nhất thư­ờng có mây mù bao phủ. Theo thần tích, chân núi Hồng Lĩnh là trụ sở đầu tiên của bộ tộc Lạc Việt, sau chuyển ra Việt Trì lập đô thành Hùng Vư­ơng. Đạo Phật Ấn Độ truyền sang qua vùng đất này, chùa H­ương Tích trên đỉnh Hồng Lĩnh là trung tâm đạo Phật sớm ở nư­ớc ta. Các tên đất, tên làng như­ “H­ương Tích, Thứ Lĩnh, Linh Cảm, Hư­ơng Sơn, Hư­ơng Khê… đều là tên Phật hoặc có nghĩa là h­ướng về Phật.
  
Quần thể di tích chùa Hương gồm có: 2 toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Đại Vương), và lên cao hơn nữa có nền Trang Vương. Chùa Hương với cảnh đẹp thiên nhiên mang nhiều cảnh sắc khác nhau, với quần thể kiến trúc tôn giáo đã phối hợp tài tình với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, huyền bí. Hàng năm, Hội chùa Hương Tích được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch, ngày Diệu Thiện hoá Phật. "Tháng giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích", Hội chùa Hương Tích thu hút khách thập phương trong nam ngoài bắc về hội đông đúc, nhưng cứ 3 năm mới có hội chính một lần, kéo dài suốt hàng tháng. Dọc đường từ chân núi đến cửa chùa, lều quán san sát, người đi dự hội tấp nập, ban đêm đèn đuốc sáng rực một vùng.

Hiện nay công ty cổ phần đầu tư phát triển Hồng lĩnh( HIDT) do Hutranco sáng lập đang xây dựng tuyến cabin  cáp treo xuất phát từ bên trái đền thờ Miếu Cô lên đến chùa Hương Tích, dài 900m qua 2 ga là Miếu Cô và Hương Tích, khung vỏ bằng chất liệu hợp kim nhôm, đều có bộ phận giảm chắn, giảm xóc và chống lắc ngang. Mỗi cabin có sức chứa khoảng 8 người. Thời gian một lượt đi từ ga Miếu Cô đến Hương Tích là 4 phút. Dự kiến trong  tháng 12 năm 2011 tới tuyến cáp treo này sẽ đưa vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu của du khá
ch.
 
Có thể thấy hệ thống cáp treo tại Việt Nam đang góp phần tạo nên bản sắc du lịch, níu giữ chân du khách khi đến với mỗi vùng đất trên quê hương Việt Nam
 
 



About Us

Slings System

  • Introduction to Huong Pagoda Cable Car System

    The Huong Pagoda Cable Car System is the complete equipment of Doppelmayr of the Republic of Austria, it is the old standing cable car maker accounting for majority market share in the world, the system is made according to the European...