Hôm nay trẩy hội Chùa Hương
Lênh đênh đò suối màn sương con dày
Thuyền mơ năm trước đâu đây
Nhớ cô yêm thắm hây hây má hồng
(Hằng Phương)
Từ xưa cho đến nay du khách trẩy hội Chùa Hương đã biết đến một quần thể hang động mang đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật với nền văn hoá nông nghiệp (ao bèo, con trâu, đàn lợn, nong tằm, né kén…) và phảng phất cả văn hoá phồn thực (bầu sữa mẹ, núi cô, núi cậu...) du khách đến Chùa Hương cầu mong mọi sự tốt lành (cầu của, cầu con, cầu bình an...).
Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba: Theo truyền thuyết thì ở vùng “linh sơn phúc địa này “vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vaò đây tu hành 9 năm , đắc đạo thành phật đi cứu độ chúng sinh. (ngày phật đản là ngày 19 tháng hai hàng năm theo âm lịch). Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ.
“ Hôm qua em đi Chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương …”
(Nguyễn Nhược Pháp)
Người xưa có câu “ Xuân du phương thảo địa” (Mùa xuân đến nơi đất có hoa cỏ đẹp . Hoặc quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi...” nên các tao nhân mặc khách thường lui tới những nơi có danh thắng đẹp để thưởng ngoạn, chính vì thế Chùa Hương là nơi hội tụ của bao người.
Vào tháng 3 năm Canh Dần (1770) Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tuần du Trấn Sơn Nam với cả quan quân dưới trướng. Nhà Chúa đã vào động Hương Tích và đề lên vách đá cử động năm chữ “Nam thiên đệ nhất động”. Động Hương Tích đã là nơi linh địa, lại được Nhà Chúa ca ngợi “Nam thiên đệ nhất động” thì lại càng đắc địa với lòng người. vì lẽ động Hương Tích thờ Phật bà Quán Thế Âm, là chỗ dựa tinh thần của lòng dân để cầu bình an và mọi điều tốt lành.
Có thể nói, Chúa Trịnh Sâm là người đặt nền móng đầu tiên cho lễ hội Chùa Hương, và cũng từ đó hàng năm khi mùa xuân đến, dần dần du khách đến với lễ hội ngày một đông vui. Nhưng phải mãi đến năm 1896 niên hiệu Thành thái năm thứ 8 mới chính thức mở hội lớn. Xưa hội chùa Hương thường được mở sau ngày lễ hội khai sơn của làng Yến Vỹ vào ngày mùng 06 tháng giêng.
Làng Yến Vỹ làm lễ khai sơn tại đền Ngũ Nhạc "Đền Trình", thờ sơn thần là ông Hổ một tín ngưỡng thờ vật thiêng của cư dân làm nghề khai thác lâm sản, mà nay ta thường thấy dưới hạ ban trong đền, điện, phủ có thờ quan ngũ dinh. Trải qua các lớp thời gian, Đền Ngũ Nhạc từ tín ngưỡng thờ vật thiêng Đã cấy vào một vị nhân thần có tên là Hùng Lang, một vị tướng thời Vua Hùng Huy Vương thứ VI, có công đánh đuổi giặc Ân, trừ bạo cho nước.
Lễ khai sơn vốn là nghi lễ của người việt cổ tạ thần núi, tạ bà chúa rừng mong trong năm làm ăn may mắn tránh được tai ương, tà ma thú giữ. Trong ngày lễ này, sau những nghi thức cúng lễ dân làng cử một bô lão có uy tín trong làng, gia đình song toàn, nhà không có tang... thay mặt dân làng cầm dao đi ra phía sau Đền, chặt một số cành cây, giây leo "lấy phép". Kể từ ngày hôm đó người dân mới chính thức vào rừng.
Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, lễ hội này đã trở thành một lễ hội lớn thu hút hàng triệu lượt du khách về thăm quan chiêm bái. Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương hàng năm lấy ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương.