Đền Trình
Đền Trình, tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ tên dân gian thường gọi là Đền Trình, một di tích lịch sử văn hoá trong khu thắng cảnh Hương Sơn. Theo thuyết phong thuỷ, dãy núi Ngũ nhạc có hình thế một con rồng lớn, dáng núi uy nghiêm, minh đường tụ thuỷ, sinh khí trường tồn, từ xa xưa dân thôn đã dựng ở đầu dãy núi một ngôi đền nhỏ để thờ một vị thần Tướng đã góp công đánh giặc Ân phò Vua Hùng Huy Vương thứ VI.
Núi Rồng
Theo gia phả nhà đền nghi lại: Vào đời Vua Hùng huy Vương thứ VI, Ở Bộ Vũ Linh Quận Siêu Loại – Hương Vĩnh Thế có gia đình Lạc Tướng dòng dõi Vua Hùng. Hùng công kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Liễu, người ở vùng núi Hương Tích. Vợ chồng ăn ở đức độ, hay làm việc thiện, hiềm nỗi tuổi cao mà chưa sinh được quý tử nối nghiệp vương gia. Một hôm bà Liễu nói với Hùng công: thiếp kết duyên với Vương gia là do thiên định, thiếp xin về quê Hương Tích cầu quý tử để nối nghiệp Vương Gia. Hùng Công nghe nói rất đỗi ngỡ ngàng vội sai gia nhân cùng bà Liễu về vùng núi Hương Tích. Trong những ngày nghỉ tại Yến Vỹ bà Liễu một mình đi vào núi Ngũ Nhạc, được thần núi cho biết : Tiên nữ giáng thế nay sắp phải về trời, Thiên Đình cho Hoàng Hổ Tinh xuống đầu thai, mai sau cứu nước phò Vua trả nghĩa mối trần duyên. Bà Liễu bái tạ thần linh, cảm tạ dân hương Yến Vỹ. Về đến nhà bà Liễu kể lại chuyện cho Hùng Công nghe, Hùng Công biết là trời sai thần tướng xuống làm con mình, nhưng cũng đau buồn vì chẳng bao lâu nữa là vợ chồng xa cách. Buồn vui lẫn lộn không nói lên lời.
Thấm thoát ngày tháng thoi đưa, bà Liễu đã mang thai được 14 tháng, một hôm đầy nhà hương thơm ngào ngạt, ánh hào quang sáng rực bà Liễu sinh hạ một người con trai, mặt vuông trán rộng, tay dài quá gối, tướng mạo đã lộ rõ vẻ lẫm liệt oai phong. Vợ chồng Hùng công cùng gia nhân vui mừng khôn xiết. Được một trăm ngày Hùng Công mời già lão hương dân tới đặt tên con là Hùng Lang. Hùng Công lại sai gia nhân sắm sửa lễ nghi cùng mình về núi Ngũ Nhạc tạ ơn trời đất. Trong những ngày ở lại đây Hùng Công vẫn nhớ những lời vợ nói: khi nào bất giác thấy lòng đau như cắt, cũng là lúc gia nhân hốt hoảng báo tin : Bà Liễu đã hoá về trời, để lại cho Hùng Công một phong thư:
"Phong thư gửi lại chốn nhân gian
Đọc kỹ lang quân sẽ rõ ràng
Thần núi xuống trần mừng để lại
Ngày sau giúp nước cứu nhân gian".
Hùng công đọc thư lòng đau thương khôn xiết. Sau khi lo việc an nghỉ cho bà Liễu, Hùng Công nói với gia nhân: “Con ta và vợ ta đều có tiền duyên ở Hương Tích nơi lưu dấu thơm của phật, cảnh kỳ sơn tú thuỷ quần tiên tụ hội, ta xin lưu lại nơi đây nuôi dạy con ta và trả nghĩa mối nhân duyên thiên định. “Thoi đưa ngày tháng năm Hùng Lang được 13 tuổi thì Hùng Công về trời, Hùng lang vô cùng thương tiếc cùng già lão hương dân ngậm ngùi tiễn đưa Hùng Công về cõi trời. Đến năm Hùng Lang được 18 tuổi đã là người tinh thông võ nghệ, uy đức khác thừơng, hương dân rất tôn kính ..
Một hôm Hùng Lang vào núi Ngũ Nhạc chợt thấy từ góc cây Thiên Tuế phát ra một ánh hào quang, vội lần theo thấy một thanh kiếm. Hùng Lang nhận lấy kiếm thần, bái tạ trời đất, trở về quê cùng trai tráng luyện tập võ nghệ. Năm sau nhà Vua mở hội kén hiền tài, Hùng Lang cùng một số trai tráng lên đường dự tuyển. Hùng Lang đỗ đầu được Vua phong là quan Tư Mã Đại thần, chỉ huy nhị đạo thuỷ bộ đốc quân. Quan Tư Mã đem tài thao lược, đức rộng trí lớn phù Vua Hùng vỗ yên trăm họ.
Lúc bấy giờ nhà Ân ở phương Bắc cậy binh hùng tướng giỏi đem quân xâm lấn nước Văn Lang, thế giặc rất mạnh và tàn ác, đi đến đâu là đốt phá hương ấp chém giết lê dân. Nhà Vua hạ chỉ cho quan Tư Mã đem quân thuỷ bộ chặn đánh giặc và sai sứ giả đi 15 bộ tìm thần tướng đánh giặc cứu nước Văn Lang. Quan Tư Mã vâng chỉ nhà Vua hội quân dưới cờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc. Bộ tướng của giặc Ân là Thạch Linh bị đại tướng Hùng Lang chém chết tại trận tiền, tàn quân giặc thua chạy về phương Bắc. Giặc tan Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương phi ngựa tới núi Sóc Sơn về trời. Quan Tư Mã Hùng Lang đem tin thắng trận về phụng chỉ. Nhà Vua ban cho quan Tư Mã một chiếc áo cẩm bào, năm trăm hoàng kim, cho hưởng lộc vùng Hương Tích làm thang mộc ấp. Bái tạ nhà Vua và triều thần Hùng Lang cùng với trai dân đã theo Ngài tòng chinh xin về quê mẹ điền viên. Ngài đem hoàng kim nhà Vua ban chia cho hương dân yến vĩ, mở hội mừng vui với hương dân. Hội vui đã về khuya, trên trời mây mưa kéo đến, sấm chớp ầm ầm, một ánh hào quang sáng rực vụt lên không trung. Quan Tư Mã Hùng Lang đã về trời. Hôm sau gia nhân cùng hương dân làm sớ dâng lên nhà Vua, Lúc đó nhà Vua mới biết trời sai thần tướng xuống giúp đánh giặc cứu nước Văn Lang. Nhà Vua hạ chiếu ban kim ngân lập đền thờ Ngài ở núi Ngũ Nhạc cho dân ấp Yến Vỹ ngàn năm thờ phụng.
Một góc Đền Trình
Trong cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp, Đền bị giặc Pháp đốt phá tháng 2 năm 1947 tiếp đến những năm 1951 -1953 giặc tạm chiếm dóng bốt tại làng Yến Vỹ, Đền Trình lại là mục tiêu bắn phá, cảnh quan sơ xác tiêu điều.
Hoà bình lập lại với sự đóng góp nhân duyên của du khách thập phương cùng nhân dân thôn Yến Vỹ Đền Trình từng bứoc được tu sửa lại. Năm 1962 Đền được bộ văn hoá thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ năm 1992 đến 1997 Đền Trình được xây dựng lại như ngày nay theo kiểu chữ “Tam“ (hậu cung – đại bái – tiền đường) theo nghệ thuật kiến trúc thời Lê ở Việt Nam. Các bức cốn đầu dư đựơc nghệ nhân đục trạm tứ linh tứ quí rất tinh xảo; bên ngoài các góc đao cách điệu rồng quài lá lật. Ngoài sân Đền có tượng võ sĩ, voi chầu bằng đá tạo nên vẻ tôn nghiêm phảng phất chốn cung đình.